Tinh dầu tràm: 9 Tác dụng, cách dùng, lưu ý khi sử dụng

Cập nhật: 01/01/2024
Lượt xem: 869

Thẩm định bởi:

Dược sĩ Trần Minh Nhật

Tinh dầu tràm thường được sử dụng để phòng ho và cảm lạnh nhờ đặc tính kháng khuẩn. Để hiểu rõ hơn về công dụng cũng như cách sử dụng tinh dầu tràm, bạn hãy theo dõi bài viết sau đây nhé!

Xem nhanh

1. Tinh dầu tràm là gì?
2. Các tác dụng của tinh dầu tràm đối với sức khỏe
  • Cải thiện sức khỏe làn da
  • Chăm sóc tóc
  • Ngăn ngừa nhiễm khuẩn
  • Giảm ho, cảm lạnh
  • Giảm đau
  • Làm sạch không khí
  • Giảm các triệu chứng của viêm xoang
  • Xua đuổi côn trùng

1Tinh dầu tràm là gì?

Tinh dầu tràm được chiết xuất từ lá hoặc cành cây tràm có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới như khu vực Đông Nam Á và châu Úc.[1]

Thành phần của tinh dầu tràm có chứa các chất hóa học như 1,8 cineol, linalool, alpha-terpineol và terpinen-4-ol với hoạt tính kháng khuẩn cao nên được ứng dụng rộng rãi trong cả lĩnh vực thực phẩm và thuốc điều trị bệnh.[2]

Do đó, dầu tràm chủ yếu được biết đến với tính chất sát trùng và giảm đau, cũng được sử dụng làm chất chống viêm để hỗ trợ điều trị vết thương, cảm lạnh và các vấn đề viêm da.

Theo quan điểm của y học cổ truyền, tinh dầu tràm có mùi thơm, vị cay và tính ấm. Vị thuốc này khi dùng sẽ tác dụng vào hai kinh tỳ và phế với công năng hoạt huyết, khu phong, an thần giảm đau, tiêu đờm và sát trùng.

Tinh dầu tràm được chiết xuất từ lá hoặc cành cây tràm có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới

Tinh dầu tràm được chiết xuất từ lá hoặc cành cây tràm có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới

2Các tác dụng của tinh dầu tràm đối với sức khỏe

Cải thiện sức khỏe làn da

Nhờ vào tính chất kháng khuẩn của tinh dầu tràm có thể ngăn ngừa được nguy cơ da bị nhiễm trùng, đặc biệt là khi trên da đang có các vết thương hay vết trầy xước. Ngoài ra, nó cũng có tác dụng kháng nấm, kháng virus, chống viêm, hỗ trợ ngăn ngừa mụn trứng cá và bệnh vảy nến.[2]

Tinh dầu tràm giúp chăm sóc sức khỏe làn da

Tinh dầu tràm giúp chăm sóc sức khỏe làn da

Chăm sóc tóc

Tinh dầu tràm có tính chất kháng vi khuẩn và chống viêm, giúp làm sạch da đầu, ngăn ngừa vi khuẩn gây gàu ngứa. Bên cạnh đó, tinh dầu tràm còn có tác dụng chống nấm và chống nhiễm trùng da đầu. Từ đó tạo được môi trường thuận lợi cho tóc phát triển khỏe mạnh.[3]

Tinh dầu tràm tạo điều kiện thuận lợi cho tóc phát triển khỏe mạnh

Tinh dầu tràm tạo điều kiện thuận lợi cho tóc phát triển khỏe mạnh

Ngăn ngừa nhiễm khuẩn

Nhiều nghiên cứu dược lý đã chỉ ra rằng thành phần chính của tinh dầu tràm là 1,8-cineol và α-terpineol có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus, chống ký sinh trùng và chống oxy hóa. Nhờ đó, các tế bào trong cơ thể được bảo vệ khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường như khói bụi, tia UV,…[2][4]

Ngoài ra khi được sử dụng với liều lượng phù hợp, tinh dầu tràm còn có khả năng sát trùng hiệu quả giúp điều trị các vấn đề trên da và ngăn ngừa nhiễm trùng. Trên thực tế, một số người dùng còn nhận thấy tinh dầu tràm có tác dụng chống viêm giúp cải thiện tình trạng mẩn đỏ và viêm da.[5]

Tinh dầu tràm có thể ngăn ngừa phản ứng viêm và nhiễm trùng

Tinh dầu tràm có thể ngăn ngừa phản ứng viêm và nhiễm trùng

Giảm ho, cảm lạnh

Theo kinh nghiệm dân gian, tinh dầu tràm thường được thêm vào các bài thuốc nam để làm giảm triệu chứng và phòng ngừa cảm lạnh, ho, sổ mũi.

Tinh dầu tràm có tác dụng kháng khuẩn và kháng virus, đặc biệt với tính chất dịu nhẹ, không gây nóng hay bỏng rát. Do đó, chúng được lựa chọn để dùng chăm sóc cho phụ nữ sau sinh và trẻ sơ sinh nhằm ngăn ngừa nguy cơ bị cảm lạnh hay viêm nhiễm đường hô hấp.

Tinh dầu tràm có thể giúp làm dịu cơn ho và các triệu chứng cảm lạnh

Tinh dầu tràm có thể giúp làm dịu cơn ho và các triệu chứng cảm lạnh

Giảm đau

Ở người cao tuổi, đau nhức xương khớp vẫn luôn được xếp vào một trong những căn bệnh phổ biến, xảy ra khi tính linh hoạt và khả năng chịu lực của xương khớp giảm đi.

Khi thoa tinh dầu tràm lên da, tinh chất cineol sẽ hoạt động với cơ chế làm nóng và kích thích bề mặt da, làm phân tán cơn đau, từ đó cơ thể có thể bị đánh lạc hướng khỏi cảm giác đau cơ xương khớp bên dưới da.

Đôi khi, tinh dầu tràm còn được sử dụng trong nha khoa để giúp giảm đau nướu sau phẫu thuật. Ngoài ra, một số người còn khuyên dùng tinh dầu tràm như một phương pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả cho tình trạng chuột rút trong kỳ kinh nguyệt.[5]

Xoa bóp bằng tinh dầu tràm có thể giúp giảm đau xương khớp

Xoa bóp bằng tinh dầu tràm có thể giúp giảm đau xương khớp

Làm sạch không khí

Nhờ tính chất kháng khuẩn, kháng nấm, chống virus, xông tinh dầu tràm có thể giúp làm sạch không khí. Với hương thơm dịu nhẹ, đây còn có thể coi là một liệu pháp mùi hương giúp xoa dịu tinh thần, giảm căng thẳng, mệt mỏi và mang lại cảm giác sảng khoái.

Tinh dầu tràm có khả năng diệt khuẩn, chống nấm và làm sạch không khí

Tinh dầu tràm có khả năng diệt khuẩn, chống nấm và làm sạch không khí

Giảm các triệu chứng của viêm xoang

Tràm có cùng họ thực vật với chè và bạch đàn, do đó chúng có chung đặc tính giúp long đờm hiệu quả.

Tinh dầu tràm có trong bảng thành phần của nhiều loại sản phẩm thông mũi nổi tiếng, chúng có khả năng làm thoát chất nhầy tắc nghẹt trong đường hô hấp và làm thông đường thở – chống lại các triệu chứng của bệnh cúm và cảm lạnh.

Hít tinh dầu tràm là cách tuyệt vời để giúp bạn dễ thở hơn hoặc giảm ho khi mắc chứng cảm lạnh.[5]

Tinh dầu tràm có thể giúp làm thông đường thở

Tinh dầu tràm có thể giúp làm thông đường thở

Xua đuổi côn trùng

Tại Úc, tinh dầu tràm được sử dụng phổ biến nhằm chống lại sâu bệnh và chống côn trùng.

Các hoạt chất tự nhiên, an toàn và lành tính trong tinh dầu tràm giúp xua đuổi côn trùng, đồng thời có thể giúp làm dịu các phản ứng viêm gây đau, ngứa xung quanh vết côn trùng cắn.[5]

Khuếch tán tinh dầu tràm có thể giúp xua đuổi côn trùng

Khuếch tán tinh dầu tràm có thể giúp xua đuổi côn trùng

Ngăn ngừa nhiễm virus Corona

Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy tinh dầu tràm có thể ức chế hoạt động của virus Corona, ngăn không cho chúng tấn công vào các tế bào trong cơ thể. Tuy nhiên vẫn chưa có những bằng chứng thuyết phục về khả năng ngăn chặn virus Corona mới xâm nhập vào cơ thể.[4]

Tinh dầu tràm có thể ức chế hoạt động của virus Corona

Tinh dầu tràm có thể ức chế hoạt động của virus Corona

3Cách sử dụng dầu tràm đúng cách an toàn và hiệu quả

Chăm sóc da

Thử phản ứng dị ứng của tinh dầu tràm đối với cơ thể trên một vùng nhỏ ở da như cổ tay. Đợi khoảng vài giờ đồng hồ để xem có xuất hiện dấu hiệu dị ứng nào trên da như đỏ, ngứa hay phồng rộp.

Nếu không xảy ra phản ứng dị ứng nào thì có thể yên tâm thoa tinh dầu tràm đã pha loãng với dầu nền (dầu dừa, dầu hướng dương, dầu olive) lên vùng da lớn hơn. Bạn có thể bôi tinh dầu tràm lên cả các vết thương nhỏ, vết trầy xước và vùng da phát ban.

Ngoài ra, bạn có thể hòa vài giọt tinh dầu tràm vào sữa dưỡng thể để thoa lên da.

Bạn cần pha loãng tinh dầu tràm với dầu nền trước khi sử dụng lên da

Bạn cần pha loãng tinh dầu tràm với dầu nền trước khi sử dụng lên da

Chăm sóc tóc

Bạn có thể thoa lên tóc tinh dầu tràm đã pha loãng với dầu nền. Một cách khác là thêm vài giọt tinh dầu tràm vào dầu gội hoặc dầu xả để giúp chăm sóc da đầu và cải thiện sự phát triển của tóc.

Bạn có thể thêm vài giọt tinh dầu tràm vào dầu gội/ dầu xả để chăm sóc tóc

Bạn có thể thêm vài giọt tinh dầu tràm vào dầu gội/ dầu xả để chăm sóc tóc

Bồn tắm

Pha khoảng 4 – 6 giọt tinh dầu tràm vào bồn tắm nước nóng sẽ giúp xông họng và mũi, giúp giảm ho, long đờm, làm thông thoáng đường hô hấp, đặc biệt khi thời tiết lạnh hay giao mùa.

Pha vài giọt tinh dầu tràm vào bồn tắm nước nóng sẽ giúp xông họng và mũi

Pha vài giọt tinh dầu tràm vào bồn tắm nước nóng sẽ giúp xông họng và mũi

Liệu pháp hương thơm

Không nên hít trực tiếp tinh dầu tràm trong chai nhưng bạn có thể cân nhắc việc khuếch tán tinh dầu để thực hiện liệu pháp mùi hương. Hơi tinh dầu tràm giúp thông thoáng đường thở, kích thích tinh thần, giảm đau đầu, loại bỏ sự mệt mỏi đi kèm với triệu chứng cảm lạnh và cúm. Điều này giúp bạn cảm thấy khỏe khoắn và tỉnh táo hơn.

Hơi tinh dầu tràm giúp thông thoáng đường thở, kích thích tinh thần và giảm đau đầu

Hơi tinh dầu tràm giúp thông thoáng đường thở, kích thích tinh thần và giảm đau đầu

Thuốc chống côn trùng

Bạn có thể chế hỗn hợp thuốc xịt chống côn trùng bằng cách pha tinh dầu tràm với nước và chất nhũ hóa như xà phòng rửa chén. Đây là một biện pháp xua đuổi côn trùng cũng như ngăn chặn sâu bệnh rất hiệu quả, an toàn và lành tính.

Pha tinh dầu tràm với nước và xà phòng để xịt chống côn trùng

Pha tinh dầu tràm với nước và xà phòng để xịt chống côn trùng

4Lưu ý khi sử dụng tinh dầu tràm

Để sử dụng tinh tràm một cách an toàn và tránh gây ra các tác dụng không mong muốn, bạn nên chú ý đến một số điều như sau:[6]

  • Không nên uống tinh dầu tràm.
  • Thử phản ứng dị ứng trước khi thoa lên da.
  • Tránh thoa tinh dầu tràm lên những vùng da nhạy cảm như các vết thương hở, da mặt, da cổ, da đầu và vùng da gần bộ phận sinh dục.
  • Hạn chế sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Không nên để trẻ em hít trực tiếp tinh dầu tràm vì có thể gây khó thở.
  • Hít tinh dầu tràm có thể gây ra cơn hen phế quản.
  • Tinh dầu tràm có thể làm giảm lượng đường trong máu. Do đó, cần theo dõi lượng đường trong máu cẩn thận. Trong trường hợp cần thiết, liều lượng thuốc điều trị tiểu đường có thể cần được Bác sĩ điều chỉnh.
  • Ngừng sử dụng dầu tràm làm thuốc ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật để tránh làm ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường huyết trong và sau phẫu thuật.
  • Tinh dầu tràm có thể làm chậm quá trình chuyển hóa của một số loại thuốc tại gan như amitriptyline (Elavil), clozapine (Clozaril), codeine, desipramine (Norpramin), donepezil (Aricept), fentanyl (Duragesic), flecainide (Tambocor), fluoxetine (Prozac), meperidine (Demerol), methadone (Dolophine), metoprolol (Lopressor, Toprol XL), olanzapine (Zyprexa), ondansetron (Zofran), tramadol (Ultram), trazodone (Desyrel),….

Không nên hít trực tiếp tinh dầu tràm vì có thể gây khó thở

Không nên hít trực tiếp tinh dầu tràm vì có thể gây khó thở

Hy vọng qua bài viết này bạn đã biết thêm nhiều công dụng hay của tinh dầu tràm. Mặc dù đây là một loại tinh dầu lành tính nhưng trước khi sử dụng bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để biết được liệu nó có phù hợp với bạn hay không cũng như nhận được những lời khuyên hữu ích về cách sử dụng hiệu quả.

0889529696
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon